Samsung hỗ trợ phát triển nhà máy thông minh tại Việt Nam

50 doanh nghiệp sẽ được Samsung Việt Nam hỗ trợ cải tiến năng lực vận hành sản xuất trên nền tảng công nghệ, để phát triển nhà máy thông minh hai năm tới.

Ngoài ra, tập đoàn điện tử Hàn Quốc sẽ giúp Việt Nam đào tạo 100 chuyên gia để tư vấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng thiết lập nhà máy thông minh cho các doanh nghiệp.

Đây là nội dung dự án hợp tác phát triển nhà máy thông minh giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam, vừa được ký ngày 22/2.

Theo Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, xu hướng chuyển đổi số, tiến đến nhà máy thông minh (Smart Factory) của các doanh nghiệp sản xuất ngày càng rõ nét. Covid-19 khiến quá trình này càng trở nên bức thiết, nhằm đảm bảo quá trình sản xuất hiệu quả, linh hoạt, tiết kiệm chi phí và tăng khả năng dự báo, phân tích và tự điều chỉnh.

Tuy nhiên, với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, chế biến chế tạo, ông Diên đánh giá, ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế. “Hầu hết số doanh nghiệp này đang đối mặt với những rào cản về thiếu kỹ năng số, nhân lực, nền tảng công nghệ, thiếu tư duy kỹ thuật số trong sản xuất…”, ông nhận xét.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại lễ ký hợp tác phát triển nhà máy thông minh với Samsung, ngày 22/2. Ảnh: Phương Thảo

Ông nhìn nhận, xu hướng nhà máy thông minh là hiện hữu, nơi các doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp công nghệ IoT, AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… vào sản xuất. Phát triển theo mô hình nhà máy thông minh sẽ giúp các doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, chế biến chế tạo đáp ứng nhu cầu trong nước và nâng cao khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Samsung Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp ứng viên tham gia dự án hỗ trợ lần này thuộc các lĩnh vực bao bì, cơ khí, ép nhựa… hiện mới đáp ứng được tiêu chuẩn nhà máy thông minh khoảng 1,5 điểm. Nên mục tiêu hai năm tới, số doanh nghiệp này sẽ tăng năng lực lên mức 2,5 điểm, tương đương với các vender cung ứng hàng cho Samsung.

50 doanh nghiệp xây dựng nhà máy thông minh qua việc cải tiến, tối ưu hoá các quy trình sản xuất trên nền tảng công nghệ, từ nhập nguyên liệu tới khi ra thành phẩm. Theo tính toán, nhà máy thông minh sẽ giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, thời hạn giao hàng và tăng năng suất 30%.

Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhà máy thông minh trong hai năm, và năm đầu tiên sẽ có 26 doanh nghiệp trong các lĩnh vực bao bì, điện tử, ép nhựa, cơ khí… và 50 chuyên gia được tư vấn, đào tạo. Trong đó, riêng 6 tháng đầu năm nay sẽ có 14 doanh nghiệp tại một số địa phương phía Bắc, như Bắc Ninh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam… tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý, áp dụng các công nghệ số trong nhà máy không đồng nghĩa với việc sẽ hình thành nên chuỗi cung ứng số và tự vận hành. Mà nó đòi hỏi sự kết nối xuyên suốt mọi hoạt động diễn ra bên trong và bên ngoài doanh nghiệp, từ việc lập kế hoạch cho đến kế hoạch thu mua, hoạt động sản xuất và logistics…

Còn ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam đề xuất, Chính phủ tiếp tục có những hỗ trợ về chính sách để các doanh nghiệp Việt Nam có năng lực cạnh tranh sau khi được đào tạo. Việc này, theo ông sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *